70 người đang online
°

Giai đoạn 2021-2030: Tập trung hỗ trợ các sản phẩm nông nghiệp chủ lực

Đăng ngày 19 - 08 - 2021
Lượt xem: 80
100%

(CESTI)</p>

 



Ứng dụng khoa học và công nghệ góp phần duy trì xuất khẩu các mặt hàng nông sản chủ lực

Đóng góp hiệu quả vào phát triển nông nghiệp

Theo báo cáo của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), giai đoạn 2016-2020, từ kết quả nghiên cứu, đã có nhiều giống cây trồng, vật nuôi, chế phẩm sinh học, quy trình công nghệ mới, tiến bộ kỹ thuật... được chuyển giao áp dụng vào sản xuất nông nghiệp thông qua doanh nghiệp và người nông dân góp phần tăng lợi nhuận và mang lại hiệu quả kinh tế cao trong sản xuất nông nghiệp.

Cụ thể, KH&CN đã đóng góp trên 30% giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp, 38% trong sản xuất giống cây trồng, vật nuôi. Đặc biệt, nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao với hệ thống nhà màng, nhà kính, nhà lưới kết hợp công nghệ số trong trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản đã giúp tăng hiệu quả kinh tế từ 10-30%; góp phần thay đổi tập quán, thói quen canh tác, nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế của ngành và góp phần duy trì xuất khẩu các mặt hàng nông sản chủ lực trong đại dịch Covid-19.

Chẳng hạn, với mặt hàng lúa gạo, sản xuất tiếp tục tăng tỷ lệ sử dụng giống lúa chất lượng cao và từng bước nâng cao giá trị “Thương hiệu hạt gạo Việt” từ thành công của các chuỗi sản xuất lúa gạo khép kín gắn với xây dựng thương hiệu. Trong 5 năm qua, đã công nhận được 42 giống lúa thuần có năng suất cao (6-7 tấn/ha), chất lượng tốt.

Đồng thời, đã công nhận chính thức 8 giống lúa lai 2 dòng có thời gian sinh trưởng ngắn - trung bình (100-120 ngày), chất lượng cao, năng suất hạt thương phẩm đạt 6,0 - 7,0 tấn/ha vụ mùa và 7,0 - 8,0 tấn/ha vụ xuân. Hiện nay diện tích các giống lúa lai do Việt Nam chọn tạo chiếm từ 25-30% diện tích trồng lúa lai của cả nước. Nhờ vậy, tổng diện tích gieo trồng lúa đến năm 2020 ước đạt 7,36 triệu ha và sản lượng thu được gần 43,4 triệu tấn.

Đại diện Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết: Giai đoạn 2016-2020, hai Bộ KH&CN và Bộ NN&PTNT đã phối hợp, xây dựng và trình Chính phủ ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ hoạt động nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng KH&CN, các chương trình KH&CN đặc thù phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

“Với sự đóng góp to lớn của cộng đồng các nhà khoa học, sự vào cuộc của các địa phương, doanh nghiệp, KH&CN của ngành đã đổi mới và đóng góp hiệu quả vào phát triển sản xuất nông nghiệp, bảo đảm nâng cao giá trị chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa nông sản trên thị trường trong nước và quốc tế” - đại diện Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhấn mạnh.

Với những kết quả đã đạt được, Chương trình phối hợp giữa Bộ KH&CN và Bộ NN&PTNT trong giai đoạn 2021 - 2030 đã thống nhất chủ trương, định hướng của hai Bộ là ưu tiên nguồn lực để tập trung nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới.

Trong đó, ưu tiên thực hiện hiệu quả các Chương trình KH&CN cấp quốc gia, tập trung vào các sản phẩm chủ lực của ngành nông nghiệp, sản phẩm lợi thế của địa phương. Hai Bộ cũng sẽ phối hợp xây dựng một số cụm nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia, một số chương trình nghiên cứu trọng điểm cấp Bộ, tập trung cho một số ngành hàng, sản phẩm chủ lực, có lợi thế cạnh tranh, đặc biệt chú trọng đến nghiên cứu phát triển công nghệ chế biến, công nghệ bảo quản, đẩy mạnh chuyển đổi số để tạo nên những đột phá về chất lượng và nâng cao giá trị gia tăng và cải thiện sức cạnh tranh của nông sản Việt Nam.

Cần cơ chế thí điểm cho hoạt động nghiên cứu

Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt cho rằng: Những thành tựu KH&CN của ngành nông nghiệp đã đóng góp chung vào thành tựu của ngành KH&CN đồng thời KH&CN cũng có những đóng góp rất đáng ghi nhận trong thành tựu chung của ngành NN&PTNT.

“Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số còn nhiều dư địa để phát triển và đóng góp nhiều hơn cho các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội nói chung và ngành nông nghiệp nói riêng. Đây là nội dung Bộ KH&CN và Bộ NN&PTNT có thể tiếp tục đồng hành cùng xây dựng các nội dung phối hợp triển khai cụ thể trong thời gian tới” - Bộ trưởng Bộ KH&CN nêu.

Theo Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt: Thời gian qua, hai Bộ đã phối hợp chặt chẽ để xây dựng Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi, trong đó có các nội dung về khai thác bảo hộ giống cây trồng vật nuôi. Đây cũng là lĩnh vực hai Bộ có thể phối hợp để đẩy mạnh đăng ký nhãn hiệu, sở hữu trí tuệ các loại hàng hóa nông, lâm, thủy sản chủ lực của Việt Nam trên các thị trường quốc tế.

Bên cạnh đó, đối với lĩnh vực nghiên cứu, hai bên có thể phối hợp để xác định những định hướng nghiên cứu dài hạn phục vụ phát triển theo chuỗi sản phẩm, tập trung vào các sản phẩm chủ lực của ngành. Ví dụ như: Giống cây trồng, vật nuôi, chế biến nông, lâm, thủy hải sản… thích nghi với biến đổi khí hậu nhằm tạo ra các sản phẩm được người dân, doanh nghiệp trong nước chấp nhận và xuất khẩu ra thị trường quốc tế.

Bản thân các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực nông nghiệp cũng có tính đặc thù rất cần cơ chế thí điểm. “Bộ KH&CN sẵn sàng phối hợp với Bộ NN&PTNT nghiên cứu đề xuất các chính sách thí điểm cho hoạt động KH&CN, đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực NN&PTNT” - Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nói.

Hiện nay, Bộ KH&CN đang được Chính phủ giao xây dựng mạng lưới quy hoạch các tổ chức KH&CN công lập trong đó có rất nhiều tổ chức KH&CN trong lĩnh vực nông nghiệp. Đây cũng là nội dung hai Bộ có thể phối hợp để quy hoạch cũng như đầu tư phát triển cho các tổ chức KH&CN trong thời gian sắp tới.

Về phía Bộ NN&PTNT, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho hay: Các cơ sở, tổ chức nghiên cứu khoa học của chúng ta đang bị manh mún nhỏ lẻ, chưa tạo ra được sự liên thông, chưa tạo ra hình ảnh của nền nghiên cứu khoa học nông nghiệp của một quốc gia có nông nghiệp là trụ đỡ. Khi nền nghiên cứu nông nghiệp được phát triển sẽ thu hút thêm được sự quan tâm của giới trẻ, khiến các bạn học sinh quan tâm, lựa chọn những ngành nghề trong lĩnh vực nông nghiệp.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh hợp tác công tư trong lĩnh vực này. Khi các doanh nghiệp kết hợp với các đơn vị nghiên cứu, chúng ta có thể sớm đưa các thành quả khoa học ra thị trường. Tuy nhiên, để làm được điều này cần có thêm những chính sách, cơ chế phù hợp và cả sự thay đổi trong tư duy của người làm khoa học để thích ứng với những thay đổi của thực tiễn.

Tin liên quan

Tin mới nhất

KẾ HOẠCH Thông tin tuyên truyền về Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn...(19/03/2024 3:37 CH)

KẾ HOẠCH Tổ chức Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc...(19/03/2024 3:36 CH)

KẾ HOẠCH Tổ chức Hội nghị gặp mặt và đối thoại với doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận năm...(19/03/2024 9:49 SA)

Chào mừng kỷ niệm 114 năm ngày Quốc tế phụ nữ 8/3 và 1984 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng(07/03/2024 3:32 CH)

TB Về việc tuyển chọn tổ chức chủ trì, cá nhân chủ nhiệm đối với nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh (lần thứ 2)(20/02/2024 1:43 CH)