Qua
khảo sát thực tế ở một số nhà máy chế biến tinh bột sắn khu vực Miền trung
- Tây nguyên, chúng tôi nhận thấy ở hầu hết các nhà máy, các vật tư thiết
bị trọng yếu vẫn nhập khẩu từ nước ngoài như hệ thống trích ly, hệ thống
phân ly, máy ly tâm tách nước... Các dây chuyền đều hoạt động ở dạng bán tự
động. Một số công đoạn được điều khiển riêng biệt. Đáng chú ý nhất là hệ
thống máy phân ly nhập khẩu từ Đức thì được điều khiển tự động bằng PLC.
Như vậy, thực tế sản xuất đòi hỏi một dây chuyên sản xuất được tự động hóa
cao hơn, đảm bảo chất lượng sản phẩm tốt hơn và giá thành hạ hơn.
Nhóm
thực hiện cũng có quan điểm là: cụ thể, thiết thực và hiệu quả. Trong cả bài
toán lớn là tự động hóa dây chuyền sản xuất tinh bột sắn, lựa chọn một công
đoạn cụ thể để nghiên cứu, thử nghiệm. Công đoạn đó đảm bảo yêu cầu là thiết
thực đối với các nhà máy và đem lại hiệu quả kinh tế cao, nhanh chóng để thu
hút sự quan tâm của các nhà máy với vấn đề tự động hóa bằng nguồn lực trong
nước thay cho nhập khẩu.
Để
không lệ thuộc vào dây chuyền sản xuất thực tế tại các nhà máy, không ảnh
hưởng đến sản xuất bình thường của họ, chúng tôi lựa chọn phương thức tạo
ra mô hình mô phỏng quá trình sấy tinh bột để nghiên cứu. Cách thức này
ban đầu có thể gặp khó khăn trong vấn đề chế tạo mô hình, nhưng sau đó sẽ
rất thuận lợi và chủ động trong việc nghiên cứu, cải tiến phương pháp điều
khiển sấy. Và đây cũng là một công cụ trực quan để thuyết phục các lãnh
đạo các công ty sản xuất tinh bột sắn ứng dụng công nghệ của mình.
Xuất
phát từ những thực tiễn trên nhóm nghiên cứu do Cơ quan chủ trì Viện nghiên cứu
Điện tử, Tin học, Tự động hóa cùng phối hợp với Chủ nhiệm đề tài ThS. Huỳnh Đức Thọ thực
hiện nghiên cứu nhằm mục tiêu: Nghiên cứu làm chủ công nghệ thiết
kế, chế tạo bộ điều khiển tự động quá trình sấy khí động, nhằm cải
tiến hệ thống sấy hiện tại ở các nhà máy tinh bột sắn ở nước ta, giảm chi
phí nhập khẩu.
Sau
thời gian nghiên cứu, nhóm thực hiện đã hoàn thành các nội dung nghiên cứu và
đạt được các mục tiêu đề ra.
Về mục
tiêu tổng quát:
Nhóm
nghiên cứu đã làm chủ công nghệ thực hiện thành công việc thiết kế, chế tạo bộ
điều khiển tự động quá trình sấy khí động, nhằm cải tiến hệ thống sấy hiện tại ở
các nhà máy tinh bột sắn ở nước ta, giảm chi phí nhập khẩu.
Về mục
tiêu cụ thể:
- Nhóm
nghiên cứu đã thử nghiệm thành công các phương pháp đo nhiệt độ và độ ẩm trực
tuyến và ứng dụng để chế tạo bộ điều khiển tự động quá trình sấy khí động.
- Chế
tạo thành công mô hình mô phỏng sấy khí động, phục vụ tốt cho nghiên cứu nội
dung.
Có thể
tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 15791/2019) tại Cục Thông tin KHCNQG.
Đ.T.V
(NASATI)