Cục Sở hữu trí tuệ tổ chức Hội nghị Sở hữu trí tuệ năm 2023

Ngày 9/3/2022, tại Thành phố Huế, Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Hội nghị SHTT toàn quốc năm 2023 nhằm tổng kết, đánh giá công tác quản lý nhà nước (QLNN) về SHTT năm 2022, đồng thời bàn thảo những định hướng lớn cho hoạt động SHTT trong năm 2023, phục vụ đổi mới sáng tạo và phát triển kinh tế - xã hội.

Tham dự Hội nghị, về phía Lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) có: Đồng chí Huỳnh Thành Đạt - Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Bộ trưởng Bộ KH&CN; đồng chí Nguyễn Hoàng Giang - Thứ trưởng Bộ KH&CN. Về phía tỉnh Thừa Thiên Huế có: Đồng chí Lê Trường Lưu - Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; đồng chí Nguyễn Văn Phương - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; đồng chí Nguyễn Thanh Bình - Ủy viên thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh. Dự Hội nghị còn có các đơn vị chức năng thuộc Bộ KH&CN, Lãnh đạo Cục SHTT và Lãnh đạo các đơn vị thuộc Cục SHTT, các cơ quan của tỉnh Thừa Thiên Huế, đại diện một số trường đại học, viên nghiên cứu, tổ chức đại diện SHCN và hơn 350 đại biểu đến từ 58 Sở KH&CN trên cả nước. Đồng chí Đinh Hữu Phí - Cục trưởng Cục SHTT và đồng chí Hồ Thắng - Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Thừa Thiên Huế đồng chủ trì Hội nghị.

Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt phát biểu khai mạc Hội nghị SHTT năm 2023

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết, thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội qua các thời kỳ cho thấy SHTT đóng vai trò hết sức quan trọng đối với từng quốc gia, nhất là trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0. Để phù hợp với bối cảnh đó, Chiến lược SHTT quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành theo hướng lồng ghép SHTT trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Do đó, QLNN về SHTT là một trong những hoạt động quan trọng, đóng vai trò dẫn dắt trong quá trình thực hiện mục tiêu đó. Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn những tồn tại, hạn chế và vấn đề đặt ra cần được xem xét, giải quyết. Bộ trưởng gợi ý một số vấn đề để Hội nghị tập trung thảo luận gồm: (i) Tiếp thục hoàn thiện chính sách, pháp luật về SHTT; (ii) Xây dựng và triển khai các chính sách thúc đẩy việc sử dụng, khai thác tài sản trí tuệ; (iii) Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động SHTT; và (iv) Tăng cường hợp tác quốc tế trong SHTT. Bộ trưởng yêu cầu Cục SHTT nghiêm túc tiếp thu, đồng thời cung cấp thêm thông tin chuyên môn để việc thảo luận đạt hiệu quả cao nhất.

Hội nghị cũng đã nghe Báo cáo về Thực trạng và định hướng phát triển hoạt động QLNN về SHTT tại địa phương: Tiếp cận từ tỉnh Thừa Thiên Huế; Báo cáo về một số điểm mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT – những vấn đề đặt ra cho hoạt động QLNN về SHTT; Báo cáo về Xây dựng và triển khai Chiến lược SHTT tại Thành phố Cần Thơ; Tham luận về Đổi mới và nâng cao hiệu quả phát triển tài sản trí tuệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hà Tĩnh; Tham luận về Tăng cường công tác QLNN về SHTT, bảo hộ tài sản trí tuệ ra nước ngoài đối với sản phẩm chủ lực của tỉnh Bắc Giang; Báo cáo về Đổi mới sáng tạo trong phát triển tài sản trí tuệ hiện nay: tiếp cận từ góc độ QLNN.


Cục trưởng Cục SHTT Đinh Hữu Phí phát biểu tại Hội nghị


Phát biểu tại Hội nghị, Cục trưởng Cục SHTT Đinh Hữu Phí cho biết, trong thời gian qua, hoạt động SHTT ngày càng gắn kết với hoạt động chung của Chính phủ, Bộ KH&CN, các bộ, ngành và địa phương. Năm 2022, số lượng đơn nộp vào Cục SHTT tăng khá cao, trong đó đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp tăng 3,3% so với năm 2021; lượng văn bằng bảo hộ cấp ra tăng 8,3% so với năm 2021. Kết quả giải quyết đơn đơn khiếu nại và đơn đề nghị chấm dứt, huỷ bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ tăng 18%; số lượng đơn liên quan đến văn bằng bảo hộ SHCN tăng 18%, kết quả xử lý các loại đơn sau cấp văn bằng bảo hộ tăng 4% so với năm 2021. Ở cấp địa phương, các Sở KH&CN luôn là một địa chỉ tin cậy để giúp đỡ, tư vấn hướng dẫn, hỗ trợ về các thủ tục xác lập quyền sở hữu công nghiệp. Cục trưởng cho rằng, các Sở KH&CN cần phối hợp chặt chẽ với các Sở, Ban, ngành ở địa phương trong việc tham mưu cho Lãnh đạo tỉnh, tổ chức triển khai chính sách, pháp luật về SHTT, hướng dẫn, hỗ trợ các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp thực hiện các hoạt động SHTT của mình, từ việc đăng ký, xác lập quyền SHTT cho đến khai thác, sử dụng và bảo vệ quyền SHTT. Từ đó góp phần quan trọng vào sự phát triển toàn diện và hiệu quả hệ thống SHTT của Việt Nam, thúc đẩy hơn nữa hoạt động đổi mới sáng tạo, làm giàu tài sản trí tuệ - một nguồn tài nguyên tạo nên nội lực quốc gia phục vụ trực tiếp cho sự phát triển bền vững. Nhân dịp này, Cục trưởng cũng cảm ơn sự quan tâm của Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Giang, các đồng chí Lãnh đạo tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã quan tâm đến hoạt động SHTT, đặc biệt là đã dành thời gian tham dự Hội nghị.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Hoàng Giang đánh giá cao Cục SHTT và Sở KH&CN Thừa Thiên Huế đã phối hợp tổ chức thành công Hội nghị SHTT toàn quốc năm 2023. Thứ trưởng cho rằng, Hội nghị là một diễn đàn quan trọng để đánh giá, tổng kết, rút kinh nghiệm về hoạt động SHTT ở các địa phương, doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học trong cả nước. Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Thứ trưởng cũng lưu ý Cục SHTT và các Sở KH&CN cần triển khai tốt một số công việc như: Tổ chức và triển khai có hiệu quả Luật SHTT sửa đổi; tiếp tục hỗ trợ các Bộ, ngành, địa phương tổ chức triển khai có hiệu quả Chiến lược SHTT quốc gia; tăng cường hiệu quả của công tác thực thi quyền SHTT, bao gồm nâng cao vai trò của công tác thanh tra về SHTT ở Trung ương và địa phương; xây dựng các tài liệu hướng dẫn về công tác QLNN về SHTT để thống nhất cách làm trên cả nước; đẩy mạnh công tác đào tạo, tập huấn về SHTT, đặc biệt là đối với các doạn nghiệp.

Nhân dịp Hội nghị SHTT năm 2023, Bộ trưởng Bộ KH&CN và Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã tặng thưởng Bằng khen cho một số đơn vị, cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động QLNN về SHTT trong năm 2022./.

P.QCN

ipvietnam.gov.vn