Còn nhớ cách đây khoảng 7-8 năm, không ít
người tiêu dùng vô cùng háo hức khi lần đầu tiên được “diện kiến” những trái
dưa, những túi rau củ quả có tem dán mã QR được gọi là “truy xuất nguồn
gốc”. Nhưng dường như chỉ một thời gian sau, những chiếc tem này không còn được
nhiều người mặn mà nữa.
Giơ màn hình điện thoại vừa quét một mã QR
Code dán trên sản phẩm trong một cửa hàng, chị Ngọc Trâm (Hoàng Mai, Hà Nội)
giải thích lý do: “Khi quét mã QR, mình chỉ nhận được những thông tin đơn
thuần là tên công ty cung cấp sản phẩm, còn những thông tin chi tiết mà mình
muốn biết như sản phẩm đó dùng phân bón, hóa chất gì, đơn vị nào vận chuyển, số
lô của sản phẩm ra sao thì không có”.
Trò chuyện với một vài khách hàng khác tại
cửa hàng, câu trả lời mà phóng viên KH&PT nhận được cũng khá tương đồng:
thông tin truy xuất còn chung chung, người tiêu dùng không thực sự tin tưởng
vào tem truy xuất, cho rằng những thông tin này có thể bị “biến báo” do không
biết có bên nào kiểm chứng hay không,...
Có
nhưng chưa đủ
Đây là một thực trạng mà có lẽ nhiều người
đều đã nhìn ra khi nói đến vấn đề truy xuất nguồn gốc tại Việt Nam. Hay như
đánh giá của một đại diện đơn vị cung cấp giải pháp truy xuất nguồn gốc trong
tọa đàm do Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng tổ chức vào năm 2019, những
thông tin sơ sài trong các mã QR như vậy chỉ có thể gọi là “truy xuất thông
tin chứ chưa phải là truy xuất nguồn gốc” - vốn cần phải có khả năng theo dõi,
nhận diện được một đơn vị sản phẩm qua từng công đoạn của quá trình sản xuất
kinh doanh (chẳng hạn như giống cây để trồng loại rau đó là gì, trồng ở đâu,
được sơ chế, vận chuyển ra sao,...). Mặt khác, do trước đây chưa có quy định
cụ thể để chuẩn hóa về nội dung và hình thức cho tem truy xuất nguồn gốc nên
đã dẫn tới việc mỗi đơn vị cung cấp giải pháp lại làm một kiểu khác nhau,
thậm chí có thể gây “loạn tem”.
Ông Bùi Bá Chính - Phó Giám đốc phụ trách
Trung tâm Mã số Mã vạch Quốc gia (Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng,
Bộ KH&CN) cho hay, thực tế tại Việt Nam, đã có một số văn bản làm cơ sở
để hướng dẫn và quản lý hoạt động truy xuất nguồn gốc, chẳng hạn như tiêu chuẩn
quốc gia TCVN ISO 22005:2008 - Xác định nguồn gốc trong chuỗi thực phẩm
và thức ăn chăn nuôi - Nguyên tắc chung và yêu cầu cơ bản đối với việc thiết kế
và thực hiện hệ thống do Bộ KH&CN công bố; hay hai Thông tư số
03/2011/TT-BNNPTNT và 74/2011/TT-BNNPTNT quy định về truy xuất nguồn gốc và thu
hồi sản phẩm không đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm trong lĩnh vực thủy
sản và thực phẩm nông lâm.
Tuy nhiên vấn đề là “dù tiêu chuẩn quốc gia
TCVN ISO 22005 có một số thông tin về truy xuất nguồn gốc trong chuỗi thực phẩm
và thức ăn chăn nuôi, nhưng lại khó có thể áp dụng cho các đối tượng truy xuất
khác. Tương tự, hai thông tư của Bộ NN&PTNT cũng chưa thể bao trùm hết các
nhóm sản phẩm, hàng hóa trong lĩnh vực quản lý của bộ này và các bộ, ngành
khác”, ông Chính cho biết.
Thiếu những tiêu chuẩn, quy định một cách
toàn diện như vậy nên các doanh nghiệp đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng
gặp khó khăn trong việc tự nghiên cứu, xây dựng triển khai hệ thống truy xuất
nguồn gốc cho từng sản phẩm cụ thể. Mặt khác, hoạt động truy xuất nguồn gốc
hiện nay mới chỉ tập trung ở một số địa phương và thị trường lớn như TP.HCM, Hà
Nội...
“Các hệ thống truy xuất nguồn gốc ở Việt Nam
hiện nay thường không có khả năng tham gia vào hệ thống truy xuất nguồn gốc
khác do chưa thống nhất sử dụng các hệ thống mã phân định toàn cầu theo tiêu
chuẩn của Tổ chức mã số mã vạch quốc tế GS1, mà thường sử dụng các mã phân định
có cấu trúc tự đặt chỉ sử dụng được nội bộ. Ngoài ra, do không có sự quản lý và
điều phối chung về cấu trúc mã phân định nên trường hợp trùng mã giữa các hệ
thống truy xuất nguồn gốc khác nhau rất dễ xảy ra, khiến người tiêu dùng nghi
ngờ về tính xác thực sản phẩm của các hệ thống này”, ông Bùi Bá Chính chỉ ra
vấn đề.
Một điểm quan trọng khác trong quy trình truy
xuất nguồn gốc chuẩn, cũng như là yếu tố cốt lõi để người tiêu dùng có thể tin
tưởng vào thông tin trong tem truy xuất nguồn gốc, đó chính là phải có một bên
thứ ba giám sát, chứng thực được các thông tin truy xuất trong toàn bộ chuỗi
quá trình tạo ra sản phẩm.
“Hiện tại, chưa có mô hình đánh giá chứng
nhận hệ thống truy xuất nguồn gốc ở Việt Nam. Hoạt động đánh giá chứng nhận
cũng chưa phổ biến nên thiếu sự đánh giá hệ thống truy xuất nguồn gốc của bên
thứ ba, không đảm bảo được tính khách quan, mức độ chất lượng và khả năng cải
tiến của hệ thống truy xuất nguồn gốc ở các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay”,
ông Bùi Bá Chính cho biết.
Trong khi đó, tại một số nước như Hàn Quốc,
Nhật, Canada, Nga, Singapore…, các quốc gia này lại đưa ra yêu cầu các lô hàng
nhập khẩu phải có khả năng truy xuất nguồn gốc khi gặp sự cố về chất lượng. Do
vậy, nếu việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm không đúng, đủ, phù hợp với các tiêu
chuẩn của thế giới thì sẽ ảnh hưởng nặng nề đến cả các doanh nghiệp Việt Nam
chứ không phải chỉ là ảnh hưởng tới thị trường và tâm lý băn khoăn của
người tiêu dùng trong nước.
Truy xuất nguồn gốc thông qua việc áp dụng
các công nghệ tiên tiến sẽ giúp minh bạch thông tin về sản phẩm hàng hóa, tạo
thuận lợi cho công tác quản lý, đồng thời chống lại gian lận thương mại, giúp
truy cập thông tin nhanh chóng và chính xác, phát hiện những điểm không hợp lý
để chủ động cải tiến, khắc phục, tăng năng suất chất lượng cho sản phẩm hàng
hóa, và đặc biệt giúp doanh nghiệp tiến thêm một bước trong việc thâm nhập
chuỗi cung ứng toàn cầu, nâng cao vị thế của sản phẩm Việt Nam. Ông Trần Văn Vinh - Tổng
cục trưởng Tổng cục TCĐLCL cho biết
Hướng
đến sự thống nhất
Trước sự thiếu vắng một chuẩn chung cho hoạt
động truy xuất nguồn gốc như vậy, hiện nay, Bộ KH&CN đang từng bước hoàn
thiện các văn bản pháp luật và xây dựng các tiêu chuẩn để hoạt động truy xuất
nguồn gốc trở nên thống nhất trên toàn quốc.
Là đơn vị chủ trì thực hiện đề án 100 về
triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc (do Thủ tướng Chính
phủ phê duyệt năm 2019), hai năm trở lại đây, Bộ KH&CN và cụ thể là Trung
tâm Mã số Mã vạch Quốc gia đã tham gia xây dựng và ban hành được 23 tiêu chuẩn
quốc gia trong lĩnh vực truy xuất nguồn gốc, chẳng hạn như TCVN
13274:2020 Truy xuất nguồn gốc – Hướng dẫn định dạng các mã dùng cho
truy vết, TCVN 13275:2020 Truy xuất nguồn gốc – Định dạng vật
mang dữ liệu, TCVN 12850:2019 Truy xuất nguồn gốc – Yêu cầu
chung đối với hệ thống truy xuất nguồn gốc,TCVN 12851:2019 Truy
xuất nguồn gốc - Yêu cầu đối với tổ chức đánh giá và chứng nhận hệ thống truy
xuất nguồn gốc, TCVN 12827:2019 Truy xuất nguồn gốc – Yêu cầu
đối với chuỗi cung ứng rau quả tươi,...
“Những tiêu chuẩn truy xuất này sẽ dần tạo ra
nền tảng giúp chuẩn hóa việc triển khai truy xuất nguồn gốc. Thông tin truy
xuất sẽ được thu thập đầy đủ, không thừa, không thiếu để đảm bảo việc thu hồi
sản phẩm và phân định trách nhiệm khi cần. Có thể nói, việc thực hiện theo các
tiêu chuẩn này sẽ giúp đảm bảo độ tin cậy của thông tin truy xuất, cũng như
giúp chia sẻ thông tin truy xuất qua lại giữa các hệ thống để kết nối thông tin
truy xuất trong chuỗi cung ứng”, ông Bùi Bá Chính cho biết.
Tem
truy xuất nguồn gốc trên một sản phẩm. Ảnh: VietQ
Không chỉ vậy, một nhiệm vụ trọng tâm khác
cũng đang được Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia đẩy mạnh trong thời gian gần
đây, đó là xây dựng và đưa vào vận hành Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản
phẩm hàng hóa quốc gia. Theo ông Bùi Bá Chính, cổng thông tin này sẽ đóng vai
trò là trung tâm của hệ sinh thái truy xuất nguồn gốc, kết nối tất cả các bên
trong chuỗi cung ứng từ đơn vị cung cấp nguyên vật liệu đến các đơn vị vận
chuyển, lưu kho, phân phối, cũng như các đơn vị cung cấp giải pháp truy xuất
nguồn gốc và cơ quan quản lý nhà nước.
Phó giám đốc phụ trách Trung tâm Mã số mã
vạch cho hay, có không ít doanh nghiệp gặp phải vấn đề là thông tin truy xuất
của một sản phẩm nằm rời rạc ở nhiều đơn vị khác nhau trong chuỗi cung ứng,
khiến cho việc kết nối chia sẻ thông tin giữa các bên trở nên vô cùng phức tạp.
“Với cổng thông tin truy xuất nguồn gốc hàng hóa quốc gia, tất cả đơn vị trong
chuỗi cung ứng sẽ chỉ cần kết nối trực tiếp hoặc gián tiếp với một điểm trung
gian duy nhất”, ông Chính nói về ý nghĩa của cổng thông tin này. Dự kiến cổng
sẽ được vận hành vào cuối quý IV năm nay.
Trong pha xây dựng đầu tiên, cổng thông tin
sẽ tập trung vào các sản phẩm thực phẩm liên quan trực tiếp tới sức khỏe người
tiêu dùng như các sản phẩm nông sản. “Việc kết nối chia sẻ dữ liệu cũng sẽ theo
các chuẩn chia sẻ kết nối của GS1 để giúp các hệ thống vệ tinh thuận lợi trong
việc kết nối với cổng. Các tính năng phục vụ lĩnh vực khác, đặc biệt là lĩnh
vực y tế và tài chính sẽ được triển khai trong các năm tiếp theo”, ông Chính
cho biết.
Theo
mục tiêu của đề án 100, đến năm 2025, cổng thông tin truy xuất nguồn gốc hàng
hóa quốc gia sẽ kết nối với 100% hệ thống truy xuất nguồn gốc của các bộ, cơ quan
liên quan và ít nhất 70% trong tổng số các đơn vị cung cấp giải pháp tại Việt
Nam. Chắc chắn con đường để đạt được mục tiêu mà chính người đứng đầu Trung tâm
Mã số Mã vạch Quốc gia cũng đánh giá là “rất tham vọng” này, sẽ không dễ dàng,
“nhưng đây là việc rất cần thiết để tạo ra một hệ sinh thái hoàn chỉnh và có
hiệu lực trong truy xuất nguồn gốc”, ông nhấn mạnh.