Ngày 09/12/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 142/2020/NĐ-CP quy định về việc tiến hành công việc bức xạ và hoạt động dịch vụ hỗ trợ ứng dụng năng lượng nguyên tử.
Nghị định gồm 5 Chương với 63 Điều và 7 Phụ lục, quy định điều kiện, hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp giấy phép tiến hành công việc bức xạ; chứng chỉ nhân viên bức xạ; giấy đăng ký hoạt động và chứng chỉ hành nghề dịch vụ hỗ trợ ứng dụng năng lượng nguyên tử; phê duyệt kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ cấp cơ sở.
Nghị định được xây dựng trên cơ sở các quy định của Luật Năng lượng nguyên tử, khắc phục các bất cập trên thực tiễn tại Việt Nam và kế thừa quy định tại các văn bản do Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành như: Thông tư số 08/2010/TT-BKHCN ngày 22/7/2014 hướng dẫn việc khai báo, cấp giấy phép tiến hành công việc bức xạ và cấp chứng chỉ nhân viên bức xạ; Thông tư số 34/2014/TT-BKHCN ngày 27/11/2014 quy định về đào tạo an toàn bức xạ đối với nhân viên bức xạ, người phụ trách an toàn và hoạt động dịch vụ đào tạo an toàn bức xạ; Thông tư số 06/2016/TT-BKHCN ngày 22/4/2016 quy định về việc cấp giấy đăng ký và chứng chỉ hành nghề đối với một số hoạt động dịch vụ hỗ trợ ứng dụng năng lượng nguyên tử, Thông tư số 19/2012/TT-BKHCN ngày 08/11/2012 quy định về kiểm soát và bảo đảm an toàn bức xạ trong chiếu xạ nghề nghiệp và chiếu xạ công chúng,…
Bài viết xin giới thiệu những điểm mới cơ bản của Nghị định số 142/2020/NĐ-CP so với các văn bản nói trên, cụ thể như sau:
- Giảm bớt thủ tục hành chính trong việc phê duyệt kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ nhằm tháo gỡ khó khăn cho một lượng lớn các cơ sở tiến hành công việc bức xạ. Theo thông tư số 25/2014/TT-BKHCN quy định việc chuẩn bị ứng phó và ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân, lập và phê duyệt kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân, tổ chức, cá nhân tiến hành công việc bức xạ phải lập hồ sơ đề nghị cơ quan thẩm quyền phê duyệt kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ cấp cơ sở. Tuy nhiên theo Nghị định 142/NĐ-CP, các cơ sở có nguồn phóng xạ Nhóm 3, Nhóm 4, Nhóm 5 theo QCVN 6:2010/BKHCN và các cơ sở sử dụng các thiết bị tia X (trừ thiết bị tia X chụp ảnh bức xạ công nghiệp, máy gia tốc) không cần lập hồ sơ đề nghị phê duyệt kế hoạch. Kế hoạch ứng phó sự cố của các cơ sở thuộc nhóm này sẽ được thẩm định cùng với hồ sơ đề nghị cấp giấy phép tiến hành công việc bức xạ.
- Một số loại hình tiến hành công việc bức xạ như X-quang chụp răng, thiết bị phân tích huỳnh quang tia X và các thiết bị soi bo mạch (hiện nay, số lượng các cơ sở sử dụng thiết bị phân tích huỳnh quang tia X và máy soi bo mạch điện tử ở các khu công nghiệp tương đối lớn) không bắt buộc phải có người phụ trách an toàn.
- Thời hạn của Giấy phép, Chứng chỉ nhân viên bức xạ và Giấy đăng ký dịch vụ hỗ trợ ứng dụng năng lượng nguyên tử được tăng lên nhằm tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân như: Giấy phép tiến hành công việc bức xạ đối với công việc nhập khẩu, xuất khẩu nguồn phóng xạ nhóm 4, nhóm 5 theo QCVN 6:2010/BKHCN có thời hạn là 12 tháng (tăng 6 tháng so với quy định cũ); Chứng chỉ nhân viên bức xạ không có thời hạn (quy định cũ thời hạn này là 05 năm); Giấy đăng ký hoạt động dịch vụ hỗ trợ ứng dụng năng lượng nguyên tử (riêng đào tạo an toàn bức xạ vẫn không có thời hạn) có thời hạn là 05 năm (tăng 02 năm so với quy định cũ).
- Thời gian thẩm định hồ sơ, cấp giấy phép cũng như xử lý hồ sơ gia hạn giấy phép rút ngắn từ 05-30 ngày, đồng thời giảm thời gian phải nộp hồ sơ đề nghị gia hạn giấy phép (trước đây cơ sở phải gửi hồ sơ đề nghị gia hạn ít nhất 60 ngày trước khi giấy phép hết hạn thì nay là 15 ngày đối với giấy phép có thời hạn 12 tháng, 6 tháng và 45 ngày đối với các giấy phép có thời hạn trên 12 tháng).
- Bổ sung quy định về việc phải có nhân viên được đào tạo về vật lý y khoa đối với trường hợp sử dụng nguồn phóng xạ hở trong y học hạt nhân, vận hành thiết bị xạ trị từ xa, xạ trị áp sát nhằm nâng cao chất lượng chẩn đoán và điều trị bệnh nhân.
- Bổ sung quy định đối với 02 hoạt động dịch vụ hỗ trợ ứng dụng năng lượng nguyên tử để phù hợp với khoản 1, 2 Điều 68 Luật Năng lượng nguyên tử năm 2008 là: Tư vấn kỹ thuật và công nghệ trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử và Đánh giá công nghệ bức xạ, công nghệ hạt nhân; giám định công nghệ bức xạ, công nghệ hạt nhân.
- Các cơ sở có nhiều giấy phép có thể xin gộp thành 01 giấy phép duy nhất để thuận tiện trong quản lý, đây là một điểm mang lại nhiều lợi ích cho cơ sở. Nghị định cũng quy định về việc cho phép sửa giấy phép trong một số trường hợp mà quy định cũ không cho phép sửa, như: việc hiệu chỉnh thông tin về nguồn phóng xạ, thiết bị bức xạ trong trường hợp phát hiện thông tin trong giấy phép chưa chính xác; thay đổi địa điểm tiến hành công việc bức xạ đối với thiết bị phát tia X có cơ cấu tự che chắn trong phân tích thành phần và kiểm tra chất lượng sản phẩm, thiết bị soi kiểm tra an ninh.
- Nghi định quy định về trường hợp bổ sung giấy phép, trong trường hợp cơ sở bổ sung thêm nguồn phóng xạ, thiết bị bức xạ, công việc bức xạ mới sẽ được bổ sung giấy phép thay vì cấp giấy phép mới so với quy định cũ.
Những quy định mới trong Nghị định số 142/NĐ-CP tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia tiến hành công việc bức xạ, hoạt động hỗ trợ ứng dụng năng lượng nguyên tử, đồng thời cũng tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động quản lý nhà nước, thực hiện các thủ tục hành chính trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử./.