Đánh giá kết quả thực hiện chuyển đổi số 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2023

Đăng ngày 13 - 09 - 2023
Lượt xem: 65
100%

Sáng ngày 6/7/2023, đồng chí Nguyễn Long Biên – Phó Chủ tịch UBND tỉnh – Phó Trưởng ban Thường trực Ban Điều hành chuyển đổi số chủ trì cuộc họp Ban Điều hành chuyển đổi số tỉnh nhằm đánh giá kết quả thực hiện chuyển đổi số 6 tháng đầu năm 2023 và các nội dung khác liên quan đến chuyển đổi số...

 

Tham dự có đồng chí Đào Xuân Kỳ - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông – Phó Trưởng Ban điều hành chuyển đổi số; các thành viên Ban Điều hành chuyển đổi số tỉnh theo Quyết định số 01-QĐ/BCĐCĐS ngày 12/7/2021 của Ban Chỉ đạo chuyển đổi số; lãnh đạo các ngành: Ngân hàng nhà nước – Chi nhánh tỉnh, Bảo hiểm xã hội tỉnh, Cục Thuế tỉnh, Ban Dân tộc, Trường Chính trị, Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh, Tổ phó Tổ Giúp việc Ban Điều hành chuyển đổi số tỉnh.

 

Toàn cảnh cuộc họp Ban Điều hành chuyển đổi số tỉnh

Sau khi nghe Sở Thông tin và Truyền thông – Phó Trưởng ban điều hành chuyển đổi số trình bày báo cáo kết quả chuyển đổi số 6 tháng đầu năm và ý kiến phát biểu của các thành viên dự họp; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Long Biên và các thành viên Ban Điều hành thống nhất đánh giá và đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm trong 6 tháng cuối năm, cụ thể:

Đánh giá cao sự nỗ lực của các ngành, các địa phương và các thành viên trong Ban Điều hành chuyển đổi số đã tích cực trong việc triển khai, cũng như trong công tác phối hợp để thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp, hoàn thành một số chỉ tiêu trong 6 tháng đầu năm: Công tác quán triệt, tuyên truyền về chủ đề của Ban Chỉ đạo chuyển đổi số là “Huy động mọi nguồn lực, tập trung phát triển sử dụng dữ liệu số, tăng cường số hoá quy trình; mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương phấn đấu hoàn thành ít nhất một sản phẩm chuyển đổi số năm 2023” được các cấp, các ngành hết sức quan tâm triển khai thực hiện. Có 11/23 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch. Công tác nâng cao nhận thức số, kỹ năng số được triển khai thường xuyên, nhất là hỗ trợ người dân thực hiện Dịch vụ công trực tuyến, cài đặt sử dụng tài khoản định danh điện tử VneID; các cơ quan, đơn vị đã thành lập Ban Chỉ đạo chuyển đổi số, xây dựng kế hoạch và phát động phong trào thi đua chuyển đổi số; 100% xã, phường, thị trấn và thôn/khu phố thành lập Tổ công nghệ số cộng đồng. Hạ tầng số được quan tâm đầu tư, triển khai lắp đặt; Mạng truyền số liệu chuyên dùng đã được kết nối từ Trung ương đến cấp xã; công tác số hóa được quan tâm trong lĩnh vực giáo dục, y tế, hồ sơ cán bộ công chức, hồ sơ địa chính. Nền tảng số từng bước được đầu tư và đưa vào khai thác sử dụng hiệu quả như: Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp tỉnh; nền tảng kho dữ liệu dùng chung; nền tảng địa chỉ số gắn với bản đồ số; nền tảng số phục vụ du lịch; thông tin kinh tế - xã hội của tỉnh đã đưa vào vận hành và kết nối với Hệ thống báo cáo của Chính phủ. Công tác đảm bảo an ninh, an toàn thông tin được thực hiện tốt, đáp ứng các tiêu chí về an toàn thông tin để kết nối vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Việc ứng dụng CNTT trong xử lý văn bản trên môi trường điện tử được nâng lên 98,95% đối với cấp tỉnh, 96,58% ở cấp huyện và 92,35% cấp xã. Dịch vụ công trực tuyến đạt 81,17%, nhất là ở cấp huyện, cấp xã có chuyển biến rất tích cực; 25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06 được quan tâm triển khai. 100% doanh nghiệp, hộ kinh doanh đã kê khai đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử và 100% doanh nghiệp đã triển khai chữ ký số. Thanh toán không dùng tiền mặt được đẩy mạnh thực hiện, nhất trong thanh toán học phí, viện phí, điện, nước. Hệ sinh thái công dân số từng bước được hình thành.

Bên cạnh kết quả đạt được còn có những hạn chế, đó là: Công tác tuyên truyền để cán bộ, đảng viên và người dân biết về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về chuyển đổi số của một số kênh hiệu quả chưa cao. Công tác chuyển đổi số ở một số ngành, lĩnh vực ít có chuyển biến; điều kiện cơ sở hạ tầng mạng trên địa bàn tỉnh còn hạn chế, một số vùng sóng kết nối internet yếu và chậm; Còn 12/23 chỉ tiêu chưa hoàn thành, trong đó có một số chỉ tiêu khó hoàn thành như chỉ tiêu Dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ; nhiều nhiệm vụ/dự án ứng dụng CNTT còn đang trong giai đoạn triển khai. Công tác số hóa hồ sơ, tài liệu, kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ, chậm triển khai. Tỷ lệ ký số văn bản cấp tỉnh chưa đạt mục tiêu; người dân và doanh nghiệp chưa quan tâm nhiều về thực hiện Dịch vụ công trực tuyến toàn trình. Các doanh nghiệp chưa mạnh dạn đầu tư chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh. Hoạt động thương mại điện tử còn nhiều hạn chế, chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp và người dân tham gia.

Nhiệm vụ, trọng tâm 6 tháng cuối năm: Năm 2023 là năm tạo lập và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới; xác định nhiệm vụ mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương phải hoàn thành ít nhất một sản phẩm chuyển đổi số trong năm 2023; trong 03 trụ cột chính quyền số, kinh tế số, xã hội số: xác định CHÍNH QUYỀN SỐ là tiên phong, đi đầu nhằm tạo động lực, kết nối, hỗ trợ kinh tế số, xã hội số phát triển.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, chuyển từ nhận thức sang hành động về thực hiện chuyển đổi số tại ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị; xem đây là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng cả trước mắt và lâu dài; cần phải kiên quyết, kiên trì trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chuyển đổi số, thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số; phổ biến, quán triệt thường xuyên chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về chuyển đổi số đến cán bộ, đảng viên, người dân và doanh nghiệp để nhận thức đúng về vai trò, tầm quan trọng của chuyển đổi số trong tình hình mới; lồng ghép công tác tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện chuyển đổi số trong các hội nghị của cơ quan, hội họp ở các khu dân cư.

Đẩy mạnh triển khai phát triển hạ tầng số, trong đó tập trung phát triển 5G tại thành phố Phan Rang – Tháp Chàm; ưu tiên đầu tư nâng cấp hạ tầng số Trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh, đảm bảo cho việc kết nối, khai thác sử dụng cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư; xây dựng Cổng dữ liệu mở để cung cấp dữ liệu cho các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và người dân để khai thác sử dụng; đẩy mạnh triển khai thực hiện số hóa hồ sơ, tài liệu, xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành. Đẩy mạnh triển khai các nền tảng số địa phương để giải quyết các vấn đề của người dân trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; tập trung triển khai nền tảng Smart Ninh Thuận; nền tảng số phục vụ du lịch, chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch.

Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo trong việc ký số, xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng; đẩy mạnh cung cấp Dịch vụ công trực tuyến toàn trình, nâng cao tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính được tiếp nhận, xử lý trực tuyến; rà soát, sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ các thủ tục hành chính có yêu cầu nộp, xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy. Đẩy mạnh triển khai hiệu quả chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số; nghiên cứu ban hành chính sách thu hút, tạo điều kiện doanh nghiệp chuyển đổi số phát triển. Đẩy mạnh hoạt động thương mại điện tử, đưa các sản phẩm lên sàn thương mại điện tử. Tập trung triển khai Đề án 06/CP; đẩy mạnh triển khai thực hiện việc cấp danh tính số/tài khoản định danh điện tử cho người dân. Phổ cập kỹ năng số cho người dân thực hiện chuyển đổi số. Đẩy mạnh việc giao dịch không sử dụng tiền mặt trên tất cả các lĩnh vực.

N.V. Sỹ

Tin liên quan

Tin mới nhất

Biểu mẫu cấp Chứng thư số và chữ ký số chuyên dùng(11/03/2025 10:52 SA)

CHỈ THỊ Về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh triển khai thực hiện Đề án 06/CP(03/11/2024 3:18 CH)

BÁO CÁO Kết quả triển khai thực hiện chuyển đổi số 9 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm 3 tháng...(03/11/2024 3:15 CH)

QUYẾT ĐỊNH Về việc phê duyệt dự toán và kế hoạch lựa chọn nhà thầu Hỗ trợ công nghệ doanh nghiệp...(03/11/2024 3:12 CH)

QUYẾT ĐỊNH Ban hành Quy chế về bảo đảm an toàn thông tin mạng trong hoạt động ứng dụng công nghệ...(03/11/2024 3:09 CH)

56 người đang online
°