Ngày 14/3/2024, Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số ban hành Kế hoạch Số 03-KH/BCĐCĐS triển khai thực hiện chuyển đổi số năm 2024 trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận (Kế hoạch 03) và đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để thực hiện.
Theo nội dung Kế hoạch 03, chủ đề hành động chuyển đổi số của tỉnh năm 2024 là: “Phát triển kinh tế số với 04 trụ cột: Thương mại điện tử-thanh toán không dùng tiền mặt; số hóa các ngành kinh tế; Quản trị số; Dữ liệu số, tạo động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững”. Đồng thời đề ra mục tiêu chung là: Tập trung hoàn thiện hạ tầng số, nhất là sử dụng cơ sở dữ liệu dùng chung và chuyên ngành; khai thác, chia sẻ, kết nối sử dụng hiệu quả cơ sở dữ liệu; ưu tiên thúc đẩy thực hiện phát triển chính quyền số, kinh tế số, nhất là các ngành kinh tế, lĩnh vực trọng điểm; phục vụ hoạt động của người dân, doanh nghiệp trên nền tảng số hóa cơ sở dữ liệu dịch vụ; nâng chỉ số chuyển đổi số của tỉnh (DTI) năm 2024 thuộc nhóm khá của cả nước.
Để thực hiện tốt chủ đề hành động và đạt được mục tiêu nói trên, Kế hoạch 03 đã nêu khá nhiều nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, hầu hết đều có liên quan với nhau. Tuy nhiên xét cụ thể trên từng trụ cột một, nổi bật là một số nhiệm vụ, giải pháp chính:
Trụ cột thứ Nhất: “Thương mại điện tử-thanh toán không dùng tiền mặt”; mục tiêu cụ thể đề ra trong năm 2024 là tỷ trọng thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ đạt trên 7% và 100% sản phẩm OCOP của tỉnh được đưa lên các sàn thương mại điện tử nội địa. Nhiệm vụ chính là chú trọng các giải pháp đẩy mạnh hoạt động thương mại điện tử, du lịch thông minh, thúc đẩy việc sử dụng hóa đơn điện tử, gắn với phát triển kinh tế số, phổ cập chữ ký số. Tăng cường công tác tuyên truyền, tổ chức các hội thảo, hội nghị cho các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tài chính, ngân hàng về chuyển đổi số. Tập trung triển khai Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số Quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Đẩy mạnh hướng dẫn, hỗ trợ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến, các tiện ích, dịch vụ số an toàn, hiệu quả, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân; tăng tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt, đưa các sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử.
Trụ cột thứ Hai: “Số hóa các ngành kinh tế”; nhiệm vụ cơ bản là thúc đẩy chuyển đổi số tại các doanh nghiệp; tập trung chuyển đổi số trong nông nghiệp, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, điều tiết nước các hồ và công trình thủy lợi; tối ưu hóa quy trình sản xuất, nâng cao năng suất, truy xuất nguồn gốc, giảm phát thải, hình thành khu công nghiệp xanh; số hóa quy trình sản xuất, quản trị doanh nghiệp cả trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng ...
Trụ cột thứ Ba: “Quản trị số”; đây là một trong bốn trọng tâm của chuyển đổi số quốc gia và của tỉnh năm 2024, đóng vai trò quan trọng trong việc nâng tầm hiệu quả quản trị của các doanh nghiệp, đóng góp cho phát triển kinh tế số, đồng thời nâng cao năng lực quản lý, điều hành và tham mưu chính sách của các sở, ban, ngành cho Ủy ban nhân dân tỉnh dựa trên dữ liệu số. Để thực hiện tốt trụ cột này, bên cạnh việc tăng cường hỗ trợ cho các cơ quan, doanh nghiệp xây dựng dữ liệu số, Kế hoạch 03 đã đề ra một số các nhiệm vụ, giải pháp chính là: Tập trung xây dựng các cơ sở dữ liệu hoàn thiện, có độ kết nối cao với hệ thống quốc gia, tăng cường kết nối đồng bộ của tỉnh; tiếp tục duy trì ổn định các kết nối, chia sẻ dữ liệu từ các phần mềm, cơ sở dữ liệu của tỉnh đến các bộ, ngành trung ương như: (1) Bảo hiểm xã hội; (2) Đăng ký doanh nghiệp; (3) CSDL quốc gia về dân cư; (4) Hộ tịch; (5) Lý lịch tư pháp; (6) cấp mã số quan hệ ngân sách; (7) Văn bản quy phạm pháp luật; (8) Bưu chính công ích (VNPost); (9) Danh mục dùng chung; (10) Kết nối CSDL quốc gia về giá; (11) Kết nối CSDL của Bộ Xây dựng; (12) Kếtt nối CSDL Bộ Giao thông vận tải; (13) Kết nối CSDL Bộ Tài nguyên và Môi trường... Ưu tiên thực hiện số hóa tất cả các hoạt động của các cấp, các ngành, nhất là các ngành, lĩnh vực trọng điểm, ưu tiên về chuyển đổi số theo Nghị quyết 09-NQ/TU.
Trụ cột thứ Tư: “Dữ liệu số”; đây là nhiệm vụ chính và mang tính quyết định để hoàn thành trụ cột thứ Tư và công tác chuyển đổi số của địa phương, bởi lẽ chúng ta không thể quản trị số nếu không có dữ liệu số và nếu không có hoặc không đủ dữ liệu số thì cũng không thể chuyển đổi số trên bất kỳ lĩnh vực nào. Chính vì vậy, mặc dù xếp ở vị trí thứ Tư, nhưng thực tế nó vẫn luôn là nhiệm vụ đầu tiên mà tất cả các cấp, các ngành, doanh nghiệp và cả những cá nhân tham gia vào hoạt động chuyển đổi số đều phải ưu tiên xây dựng dữ liệu số; đồng thời một khi đã có dữ liệu thì cũng rất cần đảm bảo cho việc lưu trữ, kết nối, chia sẽ dữ liệu, đồng bộ, thông suốt từ Trung ương đến địa phương.
Năm 2024 được tỉnh xác định là năm “tăng tốc” để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021-2025; bên cạnh các mục tiêu chính phấn đấu trong năm 2024: Tốc độ tăng trưởng GRDP từ 11-12%; tỷ trọng đóng góp năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào GRDP đạt 39-40%; kinh tế biển chiếm 42% GRDP; thu ngân sách trên địa bàn đạt 4.000 tỷ đồng trở lên… thì tỉnh cũng đặt mục tiêu kinh tế số chiếm 12% GRDP. Chính vì vậy hơn lúc nào hết, công tác chuyển đổi số của tỉnh rất cần luôn và ngay sự vào cuộc của các cấp ủy đảng, chính quyền và nhất là người đứng đầu trong công tác quán triệt, phổ biến rộng rãi quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ chuyển đổi số, giúp cho cán bộ, đảng viên nhận thức rõ được vai trò, trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tham mưu xây dựng kế hoạch, chương trình hành động tổ chức thực hiện phù hợp với điều kiện tình hình của địa phương, đơn vị. Đồng thời tích cực hỗ trợ để các doanh nghiệp, doanh nhân và quần chúng nhân dân tham gia có hiệu quả vào các hoạt động chuyển đổi số của tỉnh, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ mà Kế hoạch 03 của Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh đề ra trong năm 2024./.
https://chuyendoiso.ninhthuan.gov.vn/portal/Pages/2024-4-18/4-tru-cot-chuyen-doi-so-cua-tinh-nam-2024-va-mo%CC%A3t-jsyaz7.aspx